TS. Vũ Thị Phương Anh
Giám đốc Trung tâm Khảo
thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG-HCM
Xu thế toàn cầu hoá và hội nhập
quốc tế đang đòi hỏi giáo dục đại học Việt Nam phải nhanh chóng đổi mới
cách quản lý để đảm bảo và ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo. Bài viết này
nêu tổng quan về quan điểm chất lượng trong giáo dục đại học tại Việt Nam qua
các giai đoạn, hệ thống và cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục đại học hiện nay,
cùng các thành quả và các vấn đề cần giải quyết để tiếp tục đẩy mạnh triển khai
đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam.
1. Quan điểm chất lượng trong giáo dục đại học tại VN qua các giai đoạn
Giáo dục đại học Việt Nam cho đến
giữa thập niên 1980 vẫn cơ bản là giáo dục dục tinh hoa.Vì vậy, trong giai đoạn
này vấn đề chất lượng giáo dục đại học hầu như không được đặt ra, khi nhân vật
then chốt của quá trình đào tạo là sinh viên vốn đã được xem là thuộc hàng ưu
tú, được chọn lọc cẩn thận ngay từ đầu vào với tỷ lệ sàng lọc khắt khe. Có thể
nói, trong một thời gian dài, hệ thống giáo dục đại học ViệtNam đã quan niệm
quản lý chất lượng giáo dục đồng nghĩa với việc kiểm soát đầu vào thông qua các
kỳ thi tuyển mang tính cạnh tranh cao độ.
Trong thời gian này, đảm bảo chất
lượng được thực hiện bằng phương pháp kiểm soát chất lượng (quality control).
Ngoài việc kiểm soát đầu vào như đã nêu trên, chất lượng đầu ra cũng được kiểm
soát thông qua hoạt động thi cử, công nhận tốt nghiệp, và cấp phát văn bằng
theo những quy định được áp đặt từ trên xuống. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất
lượng hoạt động được thực hiện thông qua hệ thống thanh-kiểm tra nhằm giám sát
những hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, tác động và hiệu quả của hệ thống thanh-kiểm
tra không cao, vì chỉ nhấn mạnh việc phát hiện và xử phạt những hoạt động cố
tình làm sai lệch những quy định và chuẩn mực sẵn có, mà không đặt ra mục tiêu
tìm hiểu để cải thiện liên tục và toàn diện nhằm đáp ứng ngày càng cao những
yêu cầu thay đổi của cuộc sống.
Một hệ thống khép kín và có tính
hướng nội cao độ như đã nêu, cho dù có dựa trên những con người thực sự lỗi lạc,
cũng không thể đáp ứng được đầy đủ mọi yêu cầu của thực tế. Tuy nhiên, trong
tình hình chính trị xã hội ít biến động do đóng cửa của giai đoạn trước 1985,
việc thay đổi phương pháp quản lý trong giáo dục đại học không phải là một nhu
cầu cấp bách. Mọi việc chỉ khởi động theo chiều hướng cách tân từ khi Việt Nam bắt
đầu công cuộc đổi mới toàn diện, trong đó gồm cả đổi mới giáo dục đại học, từ
giữa thập niên 1980.
1.2. Giai đoạn
1986-2003: Chất lượng = Nguồn lực đầy đủ
Năm 1986 đánh dấu sự bắt đầu của
công cuộc đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam, trong đó một trong những mục
tiêu quan trọng của việc đổi mới giáo dục đại học tại Việt Nam là tăng cường
“khả năng cung ứng” của các cơ sở giáo dục, mở rộng tối đa cơ hội tiếp cận cho
người học. Để đạt mục tiêu này, trong vòng gần hai thập niên kể từ khi giáo dục
đại học Việt Nam bắt đầu đổi mới, rất nhiều biện pháp đã được thực hiện để đạt
được mục tiêu nói trên, mà kết quả là số lượng người học cũng như các cơ sở
giáo dục đại học của Việt Nam đã tăng lên một cách đột biến.
Sự gia tăng về quy mô và số lượng
đòi hỏi phải có hai điều kiện cơ bản là sự gia tăng tương ứng về nguồn lực
(nhân lực, vật lực, tài lực), và một cơ chế quản lý mới đi kèm với năng lực
lãnh đạo và quản lý phù hợp với quy mô mới để có thể duy trì – chứ chưa nói đến
việc cải thiện – chất lượng của giáo dục đại học. Tuy nhiên, trong vòng gần hai
thập niên đổi mới vừa qua, giáo dục đại học của Việt Nam đã chỉ chú trọng đến
việc tăng cường nguồn lực (chủ yếu thông qua học phí do người học đóng góp và
kinh phí cấp từ ngân sách nhà nước), mà chưa quan tâm đúng mức đến vai trò quan
trọng của cơ chế và năng lực lãnh đạo và quản lý của toàn hệ thống.
Quan điểm chất lượng đồng nghĩa với
nguồn lực đầy đủ của giai đoạn này thể hiện rất rõ qua việc tăng cường cấp kinh
phí từ ngân sách cho các đại học quốc gia và các trường được chọn vào danh sách
“trọng điểm đầu tư”, trong khi chưa hề có các cơ chế hoàn chỉnh để giám sát và
đánh giá hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực để đạt được mục tiêu mong muốn.
Chính vì quan điểm phiến diện này mà sau gần hai thập niên đổi mới với tỷ lệ
ngân sách dành cho giáo dục tăng lên đều đặn, chất lượng giáo dục đã không những
không tăng lên mà còn giảm sút. Tình trạng này cho thấy việc áp dụng những
phương pháp quản lý mới để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học đã
trở thành một yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay.
1.3. Giai đoạn từ 2004 đến nay: Chất lượng = Đáp ứng tiêu chuẩn
Nếu cần chọn một mốc thời gian nhằm
đánh dấu bước ngoặt của sự phát triển trong quản lý chất lượng giáo dục đại học
của Việt Nam thì đó chính là năm 2004. Vào năm này, một loạt các văn
bản quản lý nhà nước ở tầm quốc gia đã khẳng định rõ chủ trương đổi mới quản lý
bằng cách áp dụng kiểm định chất lượng, một cách làm xuất phát từ nền giáo dục
đại học Hoa Kỳ và đang trở thành một phương thức quản lý chất lượng được áp dụng
rộng rãi trên thế giới từ thập niên 1990:
– Nghị
quyết số 37-2004/QH11 của Quốc hội khoá XI thông qua ngày 3/12/2004 đã chỉ rõ
"Lấy việc quản lý chất lượng làm nhiệm vụ trọng tâm; thực hiện việc kiểm định
chất lượng giáo dục hàng năm"
– Ngày
2/8/2004 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị số 25/2004/CT-BGD&ĐT
[…] trong đó yêu cầu các cấp quản lý giáo dục, các trường đại học và cao đẳng
trong toàn quốc "khẩn trương xây dựng và hoàn thiện về tổ chức, bộ máy và
triển khai hoạt động của hệ thống khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục".
– Ngày
2/12/2004, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký Quyết định số
38/2004/QĐ-BGD&ĐT ban hành Quy định tạm thời về kiểm định chất lượng trường
đại học. (Trích Tài liệu tập huấn Tự đánh giá, Cục Khảo thí và Kiểm định
chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006).
Quy định tạm thời về kiểm định chất
lượng trường đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành sau gần 2 năm dự
thảo và lấy ý kiến góp ý của các trường đại học và các chuyên gia trong và
ngoài nước. Với quy định này, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục của đất nước,
Việt Nam đã có được một bộ tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch, cơ bản xác định được
các yêu cầu về chất lượng liên quan đến sứ mạng, mục tiêu, cơ cấu, điều kiện
nguồn lực, và các mặt hoạt động của một trường đại học của Việt Nam.
Tiếp theo sự ra đời của quy định
nêu trên, trong vòng gần 3 năm từ năm 2005 đến giữa năm 2007, 20 trường đại học
Việt Nam, gồm 18 trường công lập cùng 2 trường dân lập được xem là thuộc tốp đầu
trong hệ thống đại diện cho các khu vực địa lý trên toàn quốc, đã được chọn để
thí điểm đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đã ban hành. Sau khi áp dụng với 20 trường,
bộ tiêu chuẩn tạm thời đã được điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa để trở thành bộ
tiêu chuẩn chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành vào tháng 11/2007.
Các tiêu chuẩn chất lượng của trường đại học và cao đẳng của Việt Nam theo quy đinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 10 khía cạnh như sau:
1. Sứ mạng và mục tiêu của trường
đại học (Tiêu chuẩn 1)
2. Tổ chức và quản lý (Tiêu chuẩn
2)
3. Chương trình giáo dục (Tiêu
chuẩn 3)
4. Hoạt động đào tạo (Tiêu chuẩn
4)
5. Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng
viên và nhân viên (Tiêu chuẩn 5)
6. Người học (Tiêu chuẩn 6)
7. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng,
phát triển và chuyển giao công nghệ (Tiêu chuẩn 7)
8. Hoạt động hợp tác quốc tế
(Tiêu chuẩn 8)
9. Thư viện, trang thiết bị học tập
và cơ sở vật chất khác (Tiêu chuẩn 9)
10. Tài chính và quản lý tài
chính (Tiêu chuẩn 10)
Có thể thấy 10 khía cạnh đã nêu trong Bộ tiêu chuẩn chất lượng trường đại học của Việt Nam đã bao quát gần như toàn bộ các khía cạnh liên quan đến cơ chế quản lý cũng như các mặt hoạt động của một trường đại học hiện đại, không mấy khác với các tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và quốc tế. Có được một bộ tiêu chuẩn minh bạch để quản lý chất lượng trường đại học thực sự là một bước đột phá trong tư duy quản lý giáo dục Việt Nam, cho thấy quyết tâm hội nhập của ngành giáo dục, và với nhiều hứa hẹn sẽ đem lại những thay đổi tích cực cho vấn đề chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới.
2. Hệ thống và cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục tại Việt Nam hiện nay
2.1. Hệ thống đảm
bảo chất lượng: Đảm bảo chất lượng bên trong và đảm bảo chất lượng bên ngoài
Sự ra đời của bộ tiêu chuẩn chất
lượng giáo dục đại học và kế hoạch kiểm định chất lượng dựa trên các tiêu chuẩn
nói trên tất yếu phải đi kèm một hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý để đưa bộ
tiêu chuẩn này trở thành hiện thực. Hiện nay, một hệ thống đảm bảo chất lượng
giáo dục đại học tương đối hoàn chỉnh đang được hình thành tại Việt Nam, với cơ
quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục cấp quốc
gia là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo,
và các bộ phận đảm bảo chất lượng bên trong đã và đang được thiết lập tại các
trường.
Việc thành lập cơ quan đảm bảo chất
lượng giáo dục cấp quốc gia có thể nói là một sự thay đổi mang tính cách mạng
trong cơ cấu tổ chức và quản lý của ngành giáo dục Việt Nam. Sự ra đời của
cơ quan này là kết quả của một quá trình tách dần công tác đánh giá chất lượng
ra khỏi công tác quản lý đào tạo. Đầu tiên, bộ phận phụ trách công tác kiểm định
chất lượng chỉ là một phòng nằm trong Vụ Đại học (nay là Vụ Đại học và Sau đại
học), được thành lập vào tháng 1/2002. Sau đó, vào tháng 7/2003, bộ phận này được
tách ra để trở thành Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ
Giáo dục và Đào tạo theo Nghị định số 85/2003/NĐ-CP, với chức năng quản lý nhà
nước về mặt chuyên môn đối với các hoạt động đảm bảo chất lượng của toàn hệ thống
giáo dục Việt Nam (Nguồn: Cục Khảo thí và KĐCLGD, Tài liệu tập huấn 2006). Hiện
nay, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục là cơ quan tham mưu ở cấp
cao nhất được quyền tham gia quá trình ra quyết định trong những vấn đề ở tầm
chính sách như xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng và quy định cơ chế vận hành đối
với quá trình đảm bảo chất lượng của hệ thống giáo dục quốc gia.
Về phía các trường đại học, hai
ĐHQG với quyền tự chủ được trao tương đối cao hơn các trường đại học khác để phấn
đấu theo mô hình quản lý hiện đại là hai đơn vị đi đầu trong hệ thống giáo dục
cả nước trong việc thành lập cơ quan đảm bảo chất lượng cho riêng mình ngay sau
khi thành lập. Một số trường đại học khác, chủ yếu là các đại học vùng với mô
hình tổ chức tương tự như các đại học quốc gia (tức bao gồm 2 cấp: cấp quản lý
chính sách vĩ mô và cấp trường), được vốn vay của Dự án Giáo dục đại học của
Ngân hàng Thế giới, cũng đã thành lập bộ phận đảm bảo chất lượng của mình vào
những năm đầu của thế kỷ này. Tuy nhiên, ngoài hai trung tâm đảm bảo chất lượng
của hai đại học quốc gia đã hoạt động thường xuyên ngay từ khi mới thành lập, với
nguồn nhân lực đã ít nhiều qua đào tạo, hầu hết các bộ phận đảm bảo chất lượng
khác đều chỉ thực sự hoạt động vào đầu năm 2005, cùng lúc với sự khởi động của
kế hoạch kiểm định thí điểm 20 trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Điều đáng ghi nhận là hiện nay việc
có bộ phận đảm bảo chất lượng trong cơ cấu tổ chức của một trường đại học đã là
một yêu cầu bắt buộc được nêu trong Bộ Tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Giáo dục và
Đào tạo ban hành vào cuối năm 2007 (Bộ Tiêu chuẩn đầu tiên năm 2004 không có
yêu cầu này). Với quy định này, cho đến nay hệ thống ĐBCL giáo dục đại học tại
Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh (ít ra là trên nguyên tắc nếu chưa phải là
trên thực tế), với bộ phận ĐBCL bên trong ở tất cả các trường, và cơ quan ĐBCL
bên ngoài là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và
Đào tạo. Đây cũng là mô hình đã được hai đại học quốc gia sử dụng từ trước đó với
các trường thành viên của mình, vì điều này chính là yêu cầu đầu tiên trong bộ
tiêu chuẩn chất lượng của mạng đại học Đông Nam Á mà hai đại học quốc gia là
hai đại học duy nhất đại diện cho
2.2. Cơ chế đảm bảo chất lượng: mối quan hệ giữa hệ thống ĐBCL với cơ quan quản lý nhà nước
Khi nói đến cơ chế đảm bảo chất
lượng giáo dục, một trong những điều quan trọng nhất là xác định mối quan hệ giữa
đảm bảo chất lượng bên trong (công việc nội bộ của các trường), đảm bảo chất lượng
bên ngoài (công việc của một tổ chức bên ngoài nhà trường), và cơ quan quản lý
nhà nước đối với các tổ chức giáo dục. Tùy theo hoàn cảnh và mục tiêu riêng của
mình, mỗi quốc gia sẽ lựa chọn một cơ chế đảm bảo chất lượng phù hợp. Một cách
lý tưởng, hai thành tố của hệ thống ĐBCL phải hoàn toàn độc lập với nhau, đồng
thời cũng độc lập với cơ quan quản lý nhà nước (tức Bộ Giáo dục) nhằm tách rời
3 khâu tự đánh giá – đánh giá ngoài – và công nhận kết quả đánh giá. Tuy nhiên,
trong khá nhiều trường hợp ở các nước đang phát triển, cơ quan quản lý nhà nước
đối với giáo dục đại học cũng đồng thời là cơ quan thực hiện ĐBCL bên ngoài,
như trường hợp của Việt Nam và một số nước khác trong khu vực.
Theo Lenn (2004), những khác biệt
trong cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục giữa các quốc gia có thể tóm tắt trong
4 yếu tố sau: (1) cơ quan thành lập và điều hành tổ chức việc đảm bảo chất lượng
ở cấp quốc gia (chính phủ hoặc phi chính phủ); (2) loại hình hoặc phương thức
hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài (kiểm định, kiểm toán hoặc đánh giá);
(3) nguồn cấp kinh phí (nhà nước hoặc trường đại học); và (4) sự tham gia của
quốc tế (có hoặc không có sự tham gia của quốc tế).
Nếu xét theo 4 yếu tố trên, có thể
thấy cơ chế đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay là thiếu
đa dạng và hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước, mà cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo:
cơ quan đảm bảo chất lượng cấp quốc gia là do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập,
không có tư cách độc lập đối với Bộ vì là một cơ quan thuộc Bộ; nguồn kinh phí
hoạt động được cấp từ nhà nước thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo; và không có sự
tham gia của các chuyên gia quốc tế trong cả hai khâu ra quyết định lẫn khâu
đánh giá ngoài.. Sự thiếu đa dạng này cho thấy hệ thống đảm bảo chất lượng giáo
dục đại học của Việt Nam chưa thực sự hoàn chỉnh, và còn cần phải được tiếp tục
xây dựng để có thể tạo ra những tác động tích cực đối với chất lượng giáo dục
giáo dục như mục tiêu của việc cải cách giáo dục đại học đã đề ra.
3. Hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam: các thành quả và vấn đề còn tồn tại
3.1. Các thành
quả đạt được cho đến nay
Khi nhìn lại những hoạt động đã
được triển khai trong những năm vừa qua, có thể nói hệ thống đảm bảo chất lượng
giáo dục đại học còn rất non trẻ của Việt Nam đã đạt được khá nhiều
thành tựu. Thật vậy, vào thời điểm bước vào đầu thế kỷ 21, toàn ngành giáo dục
Việt Nam còn hoàn toàn xa lạ với đảm bảo chất lượng và kiểm định. Thế
mà chỉ vài năm sau, yêu cầu kiểm định chất lượng bắt buộc đối với tất cả các
trường đại học và cao đẳng đã được thể chế hóa. Có thể nêu một số thành quả của
hoạt động đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam trong thời
gian qua như sau:
1. Thành lập cơ quan đảm bảo chất lượng cấp quốc gia (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo)
2. Xây dựng các quy định về kiểm
định chất lượng trường đại học;
3. Bước đầu thiết lập và tiếp tục
hoàn thiện hệ thống dọc cho hoạt động đảm bảo chất lượng quốc gia (Cục Khảo thí
và Kiểm định chất lượng giáo dục, các trung tâm đảm bảo chất lượng của hai đại
học quốc gia và các đại học vùng, và bộ phận đảm bảo chất lượng của các trường);
4. Xây dựng và bước đầu triển
khai kế hoạch kiểm định chất lượng trường đại học cho toàn hệ thống giáo dục đại
học của Việt Nam đến năm 2010;
5. Phát triển năng lực (capacity
development) cho đội ngũ chuyên gia và các nhân sự chủ chốt của hệ thống đảm bảo
chất lượng quốc gia;
6. Tham gia vào các mạng lưới đảm
bảo chất lượng khu vực và quốc tế (chủ yếu là hai đại học quốc gia): AUN (Mạng
đại học Đông Nam Á), APQN (Mạng đảm bảo chất lượng châu Á-Thái Bình Dương), và
INQAAHE (Hiệp hội các cơ quan đảm bảo chất lượng quốc tế).
3.2. Các vấn đề còn tồn tại
Mặc dù các hoạt động ĐBCL trong
thời gian vừa qua đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhưng sẽ rất sai lầm
nếu cho rằng Việt Nam đã có một hệ thống và cơ chế đảm bảo chất lượng đủ mạnh để
làm tròn vai trò chất xúc tác quan trọng trong việc đảm bảo và nâng cao chất lượng
giáo dục đại học của Việt Nam. Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, hiện nay
phong trào đảm bảo chất lượng của Việt Nam đang bị vướng ở một số vấn
đề khiến sự phát triển có thể bị chững lại, như sau:
1. Hệ thống đảm bảo chất lượng ở
cấp quốc gia chưa hoàn chỉnh, chưa tách được cơ quan đảm bảo chất lượng bên
ngoài ra khỏi sự chỉ đạo và kiểm soát trực tiếp của Bộ Giáo dục, Hội đồng quốc
gia kiểm định chất lượng giáo dục vẫn chưa được thành lập;
2. Việc thực hiện đảm bảo chất lượng
bên trong còn mang tính đối phó với yêu cầu của bên ngoài chứ chưa phải là một
nhu cầu từ bên trong với mục đích tự cải thiện;
3. Cơ chế đảm bảo chất lượng hiện
nay chưa tạo được sự độc lập giữa 3 hoạt động: tự đánh giá (do các trường thực
hiện), đánh giá ngoài (do một cơ quan độc lập bên ngoài nhà trường thực hiện),
và công nhận kết quả (do cơ quan quản lý nhà nước trong giáo dục đại học hoặc
hiệp hội các trường đại học thực hiện);
4. Các tiêu chuẩn chất lượng chưa
thể hiện được quan điểm phân tầng (stratification) đối với hệ thống giáo dục đại
học Việt Nam;
5. Chưa có hệ thống các tiêu chuẩn
chất lượng để thực hiện kiểm định các chương trình đào tạo; vai trò của các hiệp
hội nghề nghiệp trong việc kiểm định chương trình đào tạo vẫn hoàn toàn vắng
bóng;
6. Nhân sự hoạt động trong toàn hệ
thống đảm bảo chất lượng quốc gia còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực;
7. Hệ thống thông tin phục vụ quá
trình đánh giá còn yếu và thiếu, và tính minh bạch của thông tin còn thấp.
Những vấn đề nêu trên cần phải được
tập trung giải quyết trong thời gian ngắn sắp đến để công tác đảm bảo chất lượng
giáo dục có thể thực sự phát huy tác dụng, nhằm đưa giáo dục đại học Việt Nam đến
ngang tầm khu vực và vươn dần đến chuẩn mực quốc tế.
Theo
http://www.udn.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét