Sau 20 năm tái lập tỉnh (1992 – 2012), nhờ khai thác lợi
thế nguồn nguyên liệu và lực lượng lao động địa phương, công nghiệp tỉnh Vĩnh
Long đã có tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân 16%/năm, góp phần tạo thêm
việc làm, thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của tỉnh
theo hướng tích cực, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu lao động ở vùng nông thôn.
Mục tiêu của Vĩnh Long từ nay đến năm 2020 là tạo điều
kiện cho ngành công nghiệp có lợi thế phát triển ổn định, bền vững, đưa tốc độ
tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt từ 19,5% – 24%/năm.
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Vĩnh Long tập trung đầu
tư 5 ngành công nghiệp thế mạnh gồm: Công nghiệp chế biến nông – thủy sản, công
nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, công nghiệp vật liệu xây dựng,
công nghiệp hóa chất, phân bón và công nghiệp cơ khí nông nghiệp, cơ khí đóng
tàu. Từ nay đến năm 2015, cùng với phát triển thêm 2 khu công nghiệp tập trung
gắn với vùng chuyên canh nguyên liệu nông sản, thủy sản, tạo sức bật cho vùng
kinh tế phía Nam sông Hậu, tỉnh Vĩnh Long tập trung phát triển mô hình “Đưa
nghề về làng”, thu hút nguồn vốn đầu tư 1.754 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh phát triển
thêm 13 cụm công nghiệp quy mô vừa trên địa bàn các huyện, mở rộng 17 làng nghề
mới và 9 làng nghề hiện có, nhưng chưa đạt tiêu chí làng nghề, nhằm cung ứng
nguyên liệu sơ chế cho khu công nghiệp tập trung. Tỉnh chủ trương phát triển
làng nghề gắn với vùng nguyên liệu ven các trục giao thông, nhằm thu hút lao
động địa phương, giảm chi phí vận chuyển.
Vĩnh Long đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế,
phát triển các khu công nghiệp (Nguồn ảnh: Internet)
Để tạo nguồn nhân lực cung ứng cho các khu, cụm công
nghiệp, tỉnh đẩy mạnh công tác khuyến công kết hợp với chương trình đào tạo
nghề nông thôn, tổ chức dạy nghề, truyền nghề trực tiếp cho từ 700 – 900 lao
động/năm. Tỉnh cũng đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề,
trong đó chú trọng nhân lực cho các nghề truyền thống như: mộc, đan đát, may
công nghiệp… gắn việc phát triển các cụm công nghiệp với chương trình xây dựng
nông thôn mới.
Sau 20 năm tái lập (1992 – 2012), từ một tỉnh kinh tế
thuần nông, tỉnh Vĩnh Long đã phát triển được 2 cụm công nghiệp và 1 tuyến công
nghiệp, đưa tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ dưới 10% (năm 1992) tăng lên
16,24%. Tỉnh đã khôi phục 23 làng nghề, phát triển mạnh các ngành tiểu thủ công
nghiệp, góp phần thu hút lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng lên gần
12%. Các ngành thế mạnh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh là
công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, công nghiệp sản xuất vật liệu xây
dựng, công nghiệp hóa chất và dược liệu… được tỉnh tập trung đầu tư chiều sâu,
mở rộng sản xuất gắn với thị trường, nhờ vậy giá trị sản xuất công nghiệp tăng
gấp 12 lần so với năm 1992, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương./.
Theo Kim Phượng/TTXVN - http://canthotv.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét